CEO OpenAI: Hoặc trí thông minh nhân tạo sẽ “kết liễu thế giới”, hoặc “sẽ kiếm được rất nhiều tiền”

CEO Sam Altman của OpenAI từ trước tới nay luôn đề cập đến một khái niệm gọi là AGI, Artificial General Intelligence, mô tả một tương lai giả định nơi máy móc có đủ khả năng thực hiện những tác vụ trí tuệ ở tầm cỡ trí tuệ con người, hoặc thậm chí là hơn. Và thay vì đặt trọn vẹn niềm tin vào AI, Altman thực tế lại có những góc nhìn khá cân bằng.
Có lúc anh này kỳ vọng AI sẽ giúp loài người, nhưng có lúc khác lại lên tiếng bày tỏ lo ngại chính đứa con tinh thần mình góp phần tạo ra, hay những thuật toán AI khác sẽ góp phần hủy hoại xã hội.
Ít ngày gần đây, kể từ khi mô hình GPT-4 chính thức ra mắt, hơn 1.100 chuyên gia, CEO, nhà nghiên cứu, trong đó có cả những tỷ phú cực giàu như Elon Musk đã ký một bức thư đề nghị dừng nghiên cứu thuật toán AI trong vòng 6 tháng, để trong khoảng thời gian ấy, con người không tạo ra được những tiến bộ xa hơn so với những gì GPT-4 đang làm được, vốn đã rất ấn tượng, hay đáng sợ tùy cách nghĩ của mọi người.
Tinhte_AI1.jpg
Bức thư này thực tế cũng đang khiến cộng đồng có những đánh giá trái chiều. Những lo ngại về việc “AI mất kiểm soát” là có thật, nhất là từ những nhà nghiên cứu công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo. Nhưng nhiều người cho rằng, những kẻ siêu giàu làm gì cũng có mục đích cá nhân, chứ không đơn giản là nghĩ cho toàn xã hội. Khoảng thời gian 6 tháng tạm ngưng nghiên cứu AI hoàn toàn có thể giúp họ bắt kịp với những gì OpenAI đã và đang làm được, đấy là thuyết âm mưu của cộng đồng mạng.
Đối với Altman, điều đáng nói nhất là cả hai khía cạnh tiềm năng và nguy cơ của AI trong mắt vị CEO này có vẻ cũng đều có giá trị. Thành ra có lúc phát biểu của Altman rất trung lập, nhưng có lúc lại vô cùng cực đoan. Những người lắng nghe những tuyên bố của Altman trong mấy năm gần đây có cảm giác vị CEO này rất biết kiểm soát ý kiến của cộng đồng.
Cứ lúc nào cảm thấy phù hợp, thì những lời nói của Altman lại thay đổi theo hướng có lợi hơn cho OpenAI. Lúc nào cần mọi người tin vào sức mạnh của thuật toán trí tuệ nhân tạo, thì là những lời đao to búa lớn. Còn những lúc phải đối mặt với lo ngại của cộng đồng về AI đối với xã hội cũng như an ninh, thì lại là những lời nói có phần đồng điệu với mọi người.
Tinhte_AI2.jpg
Năm 2019, trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, Altman nói: “Tôi luôn muốn thẳng thắn. Tôi đang làm một điều tốt, hay một điều thực sự tồi tệ?”
Có lẽ tới tận thời điểm này, câu hỏi ấy vẫn đang là thứ Altman đi tìm lời giải.
Có thời điểm, Altman so sánh dự án nghiên cứu trí thông minh nhân tạo của OpenAI như dự án Manhattan tạo ra trái bom nguyên tử thời Thế chiến thứ II. Cùng lúc anh này thừa nhận với NYT rằng, ý tưởng AGI hoặc có thể đem lại rất nhiều tiền cho con người, nhưng cũng hoàn toàn có thể tạo ra ngày tận thế đối với xã hội loài người.
Giờ ChatGPT đã hiện diện và được hàng tỷ người dùng thử, những tranh luận xoay quanh tính an toàn của AI giờ là chủ đề có thể coi là hot nhất, bên cạnh những tiến bộ trong quy trình nghiên cứu để thuật toán biết tự tổng hợp thông tin kiến thức. Và bây giờ, để bảo vệ OpenAI, Altman lại cho rằng những lo ngại trong bức thư được hơn 1000 người ký tên kia đều là lo ngại quá mức.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây hơn cũng với NYT, Altman cho rằng “sức hút của những hệ thống AI, kể cả khi mọi thứ đi theo kỳ vọng của chúng tôi về mặt dài hạn, giờ cũng đang bị thổi phồng quá đà.” Ý của Altman là, con người hoàn toàn có đủ thời gian để giải quyết những vấn đề liên quan tới khả năng kiểm soát những thuật toán AI.
Tinhte_AI4.jpg
Lý luận này có vẻ quá tiện với Altman, một vị CEO đang trực tiếp được hưởng lợi nhờ việc đem những công cụ như GPT-4 tới thị trường. Kelly Sims, một cố vấn của OpenAI cho rằng: “Trong cùng một cuộc tranh luận, Altman đóng vai trò cả hai phe cùng lúc đưa ra những luận điểm trái chiều.”
Và, theo Wall Street Journal, dù Altman không có những lợi ích về mặt tài chính khi OpenAI thành công về mặt doanh thu, những lợi ích khác lại rất lớn để Altman thời gian gần đây khẳng định rằng thuật toán AI sẽ không hủy hoại xã hội loài người. Altman đã kiếm được rất nhiều tiền dưới danh nghĩa một nhà đầu tư, trước cả khi trở thành CEO của OpenAI, vậy lợi ích ở đây là những gì?
Theo Paul Graham, người thầy lâu năm của Altman, rất có thể đó là “ham muốn quyền lực”, và rằng anh ta “đang tạo ra một thứ không khiến anh ta giàu gấp nhiều lần bây giờ”, vì theo Graham, thay đổi thế giới “là thứ rất nhiều người làm khi đã có quá nhiều tiền, Sam có thể là một ví dụ.” Nghe khá giống Bill Gates với quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundations, hay Elon Musk với nỗ lực phổ biến xe điện và tư nhân hóa khám phá vũ trụ đúng không?
Nói cách khác, hoàn toàn có thể đưa ra quan điểm cho rằng, Sam Altman với OpenAI đang muốn thay đổi thế giới, kể cả khi vị giám đốc này không hiểu 100% hệ quả của AI đối với thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điệnMail